Tin Hoạt động >> Chung

Khoa học công nghệ đồng hành phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực huyện Trấn Yên

09/03/2022 08:03:59 Xem cỡ chữ Google
Trấn Yên là một huyện miền núi, nằm ở vùng thấp của tỉnh Yên Bái có độ cao trung bình 100m so với mặt nước biển, là địa bàn chuyển tiếp địa hình từ trung du lên miền núi nằm trong vùng tiểu khí hậu nội địa, nhiệt độ trung bình 22-23oC thích hợp cho sự phát triển của một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cây quế, cây chè, cây ăn quả có múi...

Vùng trồng dâu nuôi tằm ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành

Theo thống kê, huyện Trấn Yên có diện tích trồng quế lớn thứ 2 của tỉnh (sau huyện Văn Yên), tính đến hết năm 2018 tổng diện tích quế trên địa bàn huyện là trên 16.000 ha, tập trung tại các xã: Tân Đồng, Kiên Thành, Y Can, Hồng Ca,... Hàng năm, cho khai thác bình quân trên 400 ha quế, tổng thu nhập tất cả các sản phẩm từ cây quế ước đạt trên 163 tỷ đồng, trong đó sản lượng quế vỏ khô đạt trên 3.000 tấn giá trị ước đạt 90 tỷ đồng. Từ năm 2015, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt được những bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành một vùng cây ăn quả có múi hiệu quả cao ở các xã phía Tây có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, từ gần 400 ha cây ăn quả có múi đến nay toàn huyện có trên 731,84 ha (sản lượng đạt 3.426,78 tấn), trong đó diện tích bưởi đạt 370,58 ha (sản lượng đạt 2.149,36 tấn) tập trung tại các xã: Hưng Thịnh; Quy Mông; Hưng Khánh; Hồng Ca, Việt Thành,... Với 1 ha trồng bưởi, mỗi năm trừ chi phí đầu tư đều mang lại cho các hộ dân thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng. Cũng tại địa phương này, phần lớn diện tích chè Bát Tiên được trồng tập trung tại các xã: Việt Cường, Bảo Hưng, Hưng Khánh và Nga Quán. Đến nay đã có 1 HTX sản xuất chè xanh Bát Tiên và xây dựng được vùng chè Bát Tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30 ha tại xã Bảo Hưng .

Để phát huy tiềm năng sẵn có trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp của huyện Trấn Yên. Ngành khoa học và Công nghệ tăng cường triển khai các nhiệm vụ khoa học, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, tạo một bước đệm để các sản phẩm nông sản của địa phương ngày một ổn định trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường nước ngoài. Bởi trên thực tế hiện nay, người tiêu dùng đã hướng đến những sản phẩm an toàn, có thương hiệu và nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, đây là 1 bài toán đặt ra đối với các địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người nông dân sản xuất ra các sản phẩm nói chung và sản phẩm nông sản nói riêng. Một giải pháp để đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của địa phương tiêu thụ trên thị trường ổn định và phát triển là chủ trương, chính sách của tỉnh trong những năm qua. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường theo hướng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đạt hiệu quả cao cần phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thông qua bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Với chủ trương đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương, trong việc phát triển phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản, thông qua các hoạt động bảo hộ Sở hữu trí tuệ là biện pháp phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Việc áp dụng quy định về bảo hộ nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu chứng nhân nói riêng có ý nghĩa rất lớn không chỉ với chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo vệ danh tiếng, uy tín chất lượng mà còn với người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và với toàn xã hội. Thông qua việc bảo hộ sẽ đẩy mạnh sản xuất tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn những mặt hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, là cơ sở để phát triển nông thôn một cách bền vững. Chính vì vậy, khi phát triển các sản phẩm nông nghiệp của địa phương Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên đã rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, trong những năm qua huyện đã được cục Sở hữu trí tuệ và ngành KH&CN cấp Văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng tre Bát độ tỉnh Yên Bái, trong đó có sản phẩm măng tre Bát độ huyện Trấn yên; cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm bưởi Trấn Yên, chè xanh Trấn Yên, Quế vỏ khô Trấn Yên...

Có thể thấy, đây là một bước tiến nổi bật trong sự đồng hành giữa ngành KH&CN với huyện Trấn Yên trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đạt được hiệu quả rất tích cực: Việc áp dụng và tuân thủ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được nâng lên hàng đầu, chất lượng đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm được cải thiện, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đã hình thành lên vùng sản xuất tập trung, chuỗi liên kết giá trị theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng hiện nay. Điển hình là dự án "Xây dựng quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái" đã có 3 sản phẩm: “Bưởi Trấn Yên”, “Chè xanh Trấn Yên” và “Quế vỏ khô Trấn Yên” của huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung đó là: Hình thành lên vùng trồng bưởi sấp xỉ 50 ha, tập hợp các hộ dân có diện tích bưởi lớn thành lập HTX trồng cây ăn quả Quy Mông với sản phẩm bưởi quả tươi; thành lập HTX Chè Khe Năm với sản phẩm chè xanh Bát Tiên và thành lập HTX Quế Khánh Thành với các sản phẩm chính là quế thanh, quế vụn, quế điếu thuốc, quế bột. Các hợp tác xã này đều đạt tiêu chuẩn cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhậnvào năm 2021. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết giá trị như vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng tre măng bát độ, vùng cây ăn quả và vùng quế đã trở thành các sản phẩm chủ lực với khối lượng lớn trên thị trường trong nước.

Phát huy những giá trị đã đạt được, trong thời gian tới ngành KH&CN tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền và người dân huyện Trấn Yên trong phát triển thương hiệu cho các sản phẩm: Mật ong Trấn Yên; gà đồi Trấn Yên; miến đao Trấn Yên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Phan Thu Hương - Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h